Ngành hàng hải có vai trò rất quan trọng đến mỗi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong khi nhiều chuyến bay phải “nghỉ ngơi” vì đại dịch bùng phát mạnh, ngành hàng không gặp nhiều khó khăn, liên tiếp thua lỗ trong nhiều quý thì ngành hàng hải lại có bước chuyển ngoạn mục. Sau nhiều năm thua lỗ, doanh thu quý II/2021 của các doanh nghiệp vận tải ngành hàng hải như Vinalines, Vosco,… đã đạt lãi đậm, cổ phiếu tăng nhanh chóng và vẫn liên tục lập đỉnh mới. Hãy cùng Doritoi tìm hiểu doanh thu, lợi nhuận và lý do tăng trưởng của một số doanh nghiệp vận tải lớn, tiêu biểu trong ngành hàng hải nhé!
Mục Lục
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines)
Là tên tuổi lớn trong ngành vận tải biển, chỉ trong nửa đầu năm nay, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines, mã chứng khoán MVN) đã báo doanh thu 6.040 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 1.066 tỷ đồng, cao gấp 8 lần nửa đầu năm ngoái. Trong đó lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là 685,5 tỷ đồng. Riêng quý 2, doanh thu Vinalines đạt 3.410 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán tăng ít hơn mức tăng của doanh thu. Nên lãi gộp đạt 976 tỷ đồng, tăng 118%. Lãi sau thuế trong kỳ đạt 724 tỷ đồng, cao hơn 4 lần cùng kỳ 2020.
Nguyên nhân tăng trưởng mạnh về lợi nhuận được Vinalines cho biết do lợi nhuận gộp về bán hàng, cung cấp dịch vụ và lợi nhuận tài chính tăng mạnh. Doanh thu bùng nổ, lợi nhuận tưng bừng khiến cổ phiếu của Vinalines cũng liên tục tăng trần. Vốn hóa thị trường lên gần 2 tỷ USD. Chốt phiên giao dịch 9/8, cổ phiếu MVN của Vinalines tăng 14,8% lên 39.500 đồng. Tương đương mỗi cổ phiếu thêm 5.100 đồng. Đáng chú ý, mã MVN tăng trần liên tiếp từ 30/7. Tính từ đầu năm, mã này tăng 295%, giúp mỗi cổ phiếu thêm 29.500 đồng. Với khoảng 1,2 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường của Vinalines hiện đạt mức hơn 47.423 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Gemadept
Bức tranh kinh doanh khởi sắc cũng giúp Công ty cổ phần Gemadept (Gemadept, mã GMD) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.678 tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm, tăng 19%. Lợi nhuận sau thuế đạt 331 tỷ đồng, tăng 27%. Gemadept cho biết, lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường tăng 80 tỷ đồng. Và lợi nhuận hoạt động tài chính, từ các công ty liên doanh, liên kết tăng hơn 21 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát tăng hơn 31 tỷ đồng. Nhờ những kết quả kinh doanh tích cực, giá cổ phiếu GMD của Gemadept cũng tăng trưởng mạnh. Từ đầu năm, mã này tăng 50,6%. Từ 32.600 đồng/cổ phiếu lên 49.100 đồng/cổ phiếu.
Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco)
Sau nhiều quý thua lỗ liên tiếp, Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco, mã VOS) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2021 với doanh thu thuần đạt 325 tỷ đồng, lãi sau thuế 241,6 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm năm, Vosco ghi nhận doanh thu 579 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 222 tỷ đồng..
Giải trình về vấn đề này, Vosco cho biết đội tàu trong quý hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả hơn so với cùng kỳ. Doanh nghiệp cũng ký được hợp đồng với mức cước tương đối cao. Cho một số tàu hàng khô, tiếp tục kiểm soát chi phí và cải thiện kết quả kinh doanh. Ngoài ra công ty triển khai có hiệu quả tái cơ cấu toàn diện. Bao gồm tái cơ cấu tài chính, tái cơ cấu tổ chức và tái cơ cấu đội tàu. Trên thị trường, cổ phiếu Vosco đang đứng mức 10.600 đồng/cổ phiếu. Tăng 6,5% so phiên liền trước. Dù trong diện kiểm soát song từ đầu năm, cổ phiếu Vosco tăng 360,8%. Tương ứng mức tăng 8.300 đồng một cổ phiếu.
Công ty cổ phần Vận tải và xếp dỡ Hải An
Không chỉ doanh nghiệp vận tải mà một số doanh nghiệp cảng biển cũng tăng trưởng khá tốt. Công ty cổ phần Vận tải và xếp dỡ Hải An (mã HAH) ghi nhận doanh thu và lãi ròng quý 2 cũng như 6 tháng đầu năm đồng loạt tăng trưởng mạnh. Cụ thể, HAH ghi nhận doanh thu thuần tăng 72% so với cùng kỳ năm trước, đạt 449 tỷ đồng; lãi ròng hơn 82 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Lũy kế nửa đầu năm, doanh thu thuần Vận tải và xếp dỡ Hải An tăng 49% so cùng kỳ. Đạt 808 tỷ đồng và lãi ròng tăng gấp đôi, ghi nhận hơn 149 tỷ đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu HAH tăng giá liên tục và thanh khoản cũng được cải thiện so với các năm trước đó. Hiện, giá đang giao dịch quanh mức 55.600 đồng/cổ phiếu. Từ đầu năm, cổ phiếu Vận tải và xếp dỡ Hải An tăng 210%, tức tăng 37.700 đồng/cổ phiếu. Tương tự, Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng cũng báo doanh thu hợp nhất khoảng 1.190 tỷ đồng. Tăng 14,8% so với 6 tháng đầu 2020. Cổ phiếu PHP tăng tới 73% từ đầu năm, giúp mỗi cổ phiếu thêm 11.700 đồng.
Dự báo tăng trưởng về ngành hàng hải
Theo dự báo của SSI Research, giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam và tổng sản lượng hàng hóa quốc tế qua cảng biển sẽ tăng 10% trong năm nay. Nhờ yếu tố phục hồi toàn cầu, động lực từ các hiệp định FTA mới có hiệu lực. Và kỳ vọng tăng trưởng dòng vốn FDI. Nhờ làn sóng đa dạng hóa chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Đồng quan điểm, các chuyên gia phân tích KBSV kỳ vọng ngành cảng biển có thể giữ được mức tăng trưởng kép 9%/năm trong 5 năm tới. Dựa trên tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu duy trì 10- 12%/năm. Dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam. Ảnh hưởng các hiệp định FTA và chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.