Giới thiệu món bánh đa cua nổi tiếng là đặc sản Hải Phòng

Bánh đa cua là một món ăn truyền thống lâu đời gắn liền với người dân Hải Phòng. Nó đã được vươn ra thế giới và được đánh giá không kém gì món phở, gỏi cuốn truyền thống của Việt Nam. Và từ đó đã được công nhận là một trong những món ăn kỷ lục của Châu Á. Người ta thường ví trong một tô bánh đa cua sẽ tập hợp đủ ngũ hành âm dương với màu đỏ của bánh đa, mà vàng vàng của cua, màu đỏ tươi của ớt và màu xanh của rau ăn kèm. Tất cả những nguyên liệu đó đã tạo nên một món ăn đặc sắc đến vậy.

Bánh đa cua – món ăn đạt kỷ lục châu Á

Bánh đa cua được ví như là biểu tượng riêng của người đất cảng, có mặt từ lâu đời ở Hải Phòng. Món ăn này không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà còn vươn ra thế giới. Năm 2012 tại Faridabad (Ấn Độ), bánh đa cua Hải Phòng và một số món ăn khác ở Việt Nam như phở, gói cuốn, cơm cháy Ninh Bình… đã được công nhận trở thành Kỷ lục châu Á.

Bánh đa cua - món ăn đạt kỷ lục châu Á
Bánh đa cua được ví như là biểu tượng riêng của người đất cảng

Lịch sử của làng ghi lại, vào thế kỷ 10, ông Chu Xích Công (người Hoa) đến mở trường học ở làng Lạng Côn. Sau này ông được vua Lê Hoàn tiến cử vào triều làm tướng. Khi cuộc chiến tranh Đại Việt – Chiêm Thành (vương quốc cũ của người Chăm Pa, sau này sát nhập vào Đại Việt) diễn ra, ông đươc theo nhà vua đi đánh trận.

Vì thời gian chinh chiến lâu dài nên ông đã chế tạo ra một loại lương khô đặc biệt làm từ gạo đó chính là bánh đa. Bánh đa chỉ cần nhúng vào nước sôi, thêm chút muối là đã có thể ăn lại có thể bảo quản được rất lâu. Khi thắng trận trở về làng, ông đem công thức làm món bánh đa để dạy cho dân làng. Vì thế nên khi ông mất, dân làng tôn làm Thành hoàng làng lập miếu thờ.

Cái tên gắn liền với vùng đất Hải Phòng

Bánh đa cua từ lâu đã trở thành cái tên gắn liền với ẩm thực vùng đất cảng Hải Phòng. Bánh đa cua ban đầu chủ yếu được làm từ những nguyên liệu bình dị vùng quê như cua đồng, bánh đa, rau muống, rau nhút… Sau này, người ta bổ sung các loại hải sản như bề bề, tôm, ghẹ, chả… Từ những thành phần đó, người dân Hải Phòng khéo léo chế biến nên một món ăn đem đến cho người ăn cảm giác ngon miệng bởi vị thanh ngọt và mát lành.

Chúng tôi ghé quán bánh đa cua Bà Cụ tại số 179 phố Cầu Đất (phường Cầu Đất, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) vào một ngày nắng nhiều. Theo chia sẻ của nhiều người, đây là một trong những quán bánh đa cua đầu tiên ở mảnh đất hoa phượng đỏ, đến nay hơn 50 năm tuổi và trải qua 4 đời.

Quán tuy khá đông nhưng không tạo ra sự chật chội, khó chịu cho thực khách bởi hệ thống máy điều hòa và sự bố trí hợp lý của phòng ăn. Nhân viên ở đây bận rộn liên tục. Người đặt món, người chuyển đồ, người làm bánh đa cua, rán nem, bóc tôm, giã cua…

Cái tên gắn liền với vùng đất Hải Phòng
Bánh đa cua ban đầu chủ yếu được làm từ những nguyên liệu bình dị

Có 2 cách để ăn

Bánh đa cua Hải Phòng có 2 sự lựa chọn cho khách đến ăn là bánh đa cua trộn và bánh đa cua nước. Bánh đa cua nước là loại bánh màu đỏ được chần qua nước nóng. Cho vào một chiếc bát to cùng với rau muống và các loại hải sản, chả cá, chả mực… Rồi chan nước dùng được nấu từ cua. Với bánh đa cua trộn, bạn vẫn có đủ thành phần như vậy. Chỉ khác là bát nước dùng để riêng.

Người ta nói ăn bánh đa cua là cảm nhận cái “sắc” và “vị” của món ăn. Màu nâu của bánh đa hòa trong màu vàng sóng sánh của nước dùng lẫn gạch cua. Thêm với đó là những viên chả màu vàng nhạt. Màu đỏ của thịt tôm hòa cùng màu xanh mướt của rau muống, rau nhút… Tất cả tổng hòa vào nhau làm cho thực khách chỉ mới nhìn thôi cũng đã thấy thèm.

Một nhân viên quán cho biết bánh đa cua được tráng khá công phu. Tất cả các khâu từ ngâm gạo, chế nước khi xay, pha bột và điều chỉnh lửa lò lúc tráng bánh… Đều phải tuân thủ nghiêm ngặt để bảo đảm những sợi bánh chất lượng về mùi vị. Không bị bốc mùi ẩm mốc mà còn phải có độ mỏng, mềm dẻo.

Phần nhân được chọn lựa kỹ

Phần nhân của bánh đa cua cũng được lựa chọn kỹ. Tôm, ghẹ hay bề bề phải tươi, chắc thịt. Cua đồng chọn loại ngon. Các loại rau ăn kèm phải tươi xanh, giòn ngọt. Bên cạnh nhân truyền thống, một số quán còn bổ sung chả lá lốt, nem rán. Để thêm nhiều lựa chọn cho thực khách.

Phần nhân được chọn lựa kỹ
Sự khác biệt đặc trưng của bánh đa cua so với bún riêu cua

Khi thưởng thức bát bánh đa cua, tôi nhận thấy sự khác biệt đặc trưng của bánh đa cua so với bún riêu cua. Nước dùng của bánh đa cua có màu hơi đục. Khi ăn có vị ngọt thanh và đậm mùi thơm của cua đồng. Bánh đa cua cũng không có quá nhiều dầu mỡ so với bún riêu. Mỗi lần múc bát nước là mùi thơm bay khắp phòng.

Giá một bát bánh đa cua Hải Phòng khoảng từ 40.000 đồng trở lên. So nhiều món khác, giá bánh đa cua có phần nhỉnh hơn một chút. Nhưng có lẽ vì sự đặc biệt trong món ăn với phần nhân hải sản đa dạng. Nên bánh đa cua vẫn luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của những người sành ăn. Không chỉ ở Hải Phòng mà khắp mọi miền đất nước.

Trả lời